Từ sau cái đêm ‘tiến thêm một bước ngoạn mục’, Hoài Khang biến thành ông bố trẻ, chăm sóc Tuệ Khanh không khác gì con gái rượu.
Còn cô dần trở nên nữ tính, toát lên vẻ quyến rũ, thu hút không ít ánh nhìn của nam sinh, cũng như nhận được thiện cảm của người hâm mộ và các đạo diễn khác.
Có lương, cô bắt đầu sắm sửa không ít đồ, đặc biệt là những vật dụng dành cho anh, từ những thứ nhỏ nhất đến những cái áo và cái quần.
Ở bệnh viện Hoài Đức, các y tá và bác sĩ bắt đầu nhìn viện trưởng của họ bằng cặp mắt khác.
Hoài Khang trông mơn mởn hơn rất nhiều, cả người như phát ra ánh sáng của sự trẻ trung và thoả mãn.
Anh dễ tính hơn, lâu lâu sẽ nhìn điện thoại rồi mỉm cười một mình như cô gái mới lớn nhưng vẫn không khỏi có vài cái nhíu mày chỉ vì lo lắng cho Tuệ Khanh trong khoảng thời gian gần đây.
Tuệ Khanh bước vào kì thi cuối kì năm hai đại học.
Cô dời lịch diễn lại, không nhận thêm bất cứ cái nào.
Quản lý Ái Thi cũng biết rõ nên không ép buộc gì, thậm chí còn ủng hộ hết mình, sau đó là hứa hẹn một tương lai tươi sáng đang chờ đón họ.
Hoài Khang hàng đêm sẽ cùng Tuệ Khanh ôn bài, không phải sau cái đêm ấy họ sẽ để bản thân rơi tõm vào tình ái, ngược lại đó chỉ làm cho tình cảm họ tăng thêm mấy phần gần gũi và trọn vẹn hơn.
Từ đó, họ hôn nhau và không vượt thêm nữa.
Nghe có vẻ lãng mạn tuy nhiên Tuệ Khanh khóc không ra nước mắt.
Hoài Khang không khác gì người bố nóng tính và răn đe mỗi khi con cái có lỗi sai.
Sai một câu đồng nghĩa phải đọc lại từ đầu.
Cô siết chặt quyển sách trong lòng mà có cảm tưởng như được siết chặt cổ của anh.
Cuối cùng, cái ngày thi cuối kỳ cũng đến.
Trái ngược hoàn toàn với dáng vẻ thảnh thơi của Tâm Dao, Tuệ Khanh làm bài trong sự lo lắng và áp lực.
Tuy nhiên, nhờ vào những lần trả bài nghiêm khắc của Hoài Khang, cô vượt qua kỳ thi kiến thức một cách hoàn hảo dù cho vẫn có một số lỗi sai khẳng định sẽ bị anh ký đầu.
Nhằm lúc cô tự hỏi vì cớ gì vớ được anh người yêu chăm lo cho việc học của mình còn hơn bản thân.
Hoài Khang vuốt mái tóc của Tuệ Khanh khi cô đang gác đầu lên đùi mình, nghe thấy cô thắc mắc như thế thì hơi trầm tư nhưng vẫn tường tận giải thích:
“Anh từng là một người chỉ cắm đầu vào ăn chơi, và cũng là người quay đầu để ôn thi lại tất cả kiến thức.
Có lẽ vì thế mà anh hiểu rằng chỉ khi em có kết quả cao, nó sẽ trở thành một điểm cộng cho sự nghiệp sau này của em.
Em càng nổi tiếng, họ sẽ càng muốn bới móc lại những quá khứ của em vì tất cả lý do tốt và xấu.
Anh không muốn em sẽ bị những số điểm kém của ngày hôm nay ảnh hưởng đến tương lai.”
Tuệ Khanh nhìn Hoài Khang hồi tưởng lại quá khứ của bản thân thì chỉ biết gật đầu tiếp thu.
Càng ở bên anh, cô càng phát hiện anh không giống các quý công tử cậy quyền cậy thế như Nhật Hào.
Gia đình anh cũng không chú trọng vào con trai trưởng hay chỉ có một đứa con như nhà của cô.
Thay vào đó, cha của anh có quá nhiều con rơi bên ngoài và sẽ được ông Dự đào tạo lẫn huấn luyện để trở thề con rối trong tay.
Hoài Khang đã dành rất nhiều thời gian để chứng minh thực lực của bản thân.
Rời xa sự kiểm soát của ông Dự, anh mất đi tình yêu thương của cả mẹ lẫn cha và để nỗi đau đó trở thành một sự thúc đẩy.
Những điều này lại làm cho Tuệ Khanh cảm thấy cô thật may mắn khi gia đình của cô vẫn chấp nhận những đam mê mà cô theo đuổi.
Họ cho cô tự do bay nhảy và vấp ngã, có lẽ sẽ vẫn có những cuộc tranh cãi và ngăn cản, nhưng họ luôn đứng sau lưng ủng hộ cô vô điều kiện.
Tình cảm cha mẹ thiêng liêng là thế!
Nhờ vào những điều này, Tuệ Khanh đã nảy ra ý tưởng cho bài thi cá nhân của mình vào ngày cuối kỳ.
Cô nhờ Tâm Dao quay lại cho mình từng khoảnh khắc một chỉ để gửi tặng chúng cho đấng sinh thành ở nhà.
Ngày hôm đó, Tuệ Khanh mặc bộ đồ gấm màu vàng đơn giản nhưng dường như phát sáng trên sân khấu.
Cô sải từng bước chân nhỏ rồi đến bước chân lớn, dải lụa trong tay bay lượn theo xung quanh hệt như một bức màn diễn tả sự trưởng thành từ thuở bé đến thiếu nữ.
Động tác dứt khoát, pha lẫn chút võ nghệ mỗi khi tiết tấu nhạc vang lên âm rền.
Tuệ Khanh đang khắc hoạ lại sự tích hoa mai.
Câu chuyện nói về người con gái của một thợ san can đảm, luôn giúp thôn dân diệt trừ yêu quái.
Cô học võ thuật với cha từ nhỏ, cũng không ít lần phụ giúp ông.
Danh tiếng của hai người vang dội khắp nơi.
Lúc này, Tuệ Khanh cột hai dải lụa thành chiếc nơ sau lưng không khác gì chiếc khiên và vũ khí luôn được vác phía sau.
Cô bật người lộn hai vòng trên không trung, kết thúc bằng động tác một chân trụ, một chân xoạc ngang áp sát.
Tuy nhiên, mọi thứ dần trở nên dồn dập, nét mặt của cô cũng dần trở nên căng thẳng và nghiêm nghị.
Những cái múa tay cùng bật nhảy trên cao được kết hợp với một bên vải lụa được rút ra từ lúc nào vô cùng uyển chuyển.
Ngay khi tiếng nhạc dừng lại, Tuệ Khanh thở hắt ra một hơi, nhưng chỉ vừa quay đầu đi, khán đài bên dưới lại thấy cô dùng chính vải lụa ấy xoay vòng tròn xung quanh với mình.
Điều này khiến họ nhớ lại điển tích rằng người con gái của thợ săn đã thay cha diệt trừ yêu quái hung ác vì sức khỏe của ông càng lúc càng đi xuống.
Lúc cô nghĩ yêu quái đã chết, nó bất ngờ dùng chút sức lực cuối cùng, dùng đuôi và siết chết cô khiến người cha không kịp trở tay.
Tiếng nhạc dịu nhẹ rồi trở nên chậm dần, mang màu đau thương.
Tuệ Khanh quỳ hai chân dưới đất, đầu gục xuống thể hiện cho cái chết.
Nhưng vào tiếng gõ đầu tiên, cô từ từ đứng dậy, bước đi nhẹ nhàng cùng dải lụa làm người xem thấy hình bóng cô vô cùng mờ ảo, hệt như thứ họ chứng kiến chỉ là linh hồn.
Người con gái của thợ săn được ông Táo thương tình mà xin phép Ngọc Hoàng cho cô gái được sống lại và trở về nhà trong chín ngày để đoàn tụ với gia đình.
Đến khi người nhà ra đi, cô gái hóa thành cây mai trước ngõ, nở ra những nhành hoa vàng rực như chiếc áo gấm khi ra chiến trường.
Người dân đã tưởng niệm những ngày đó là tết, cũng mang hoa mai về nhà để trừ tà đuổi quỷ cùng mong muốn đem lại may mắn.
Cái kết, Tuệ Khanh đứng khép chân, người uốn sang một bên hệt như một thân cây cổ thụ cứng cáp nhưng uyển chuyển.
Hai tay của cô đưa lên cao, phành ra như những bông hoa nở rộ.
Đây là những gì Tuệ Khanh muốn gửi tới gia đình của mình.
Dù cô có thất bại hay thành công, cô vẫn sẽ trở về để cùng cha mẹ đoàn viên..