Lọc Truyện

Thâm Cung - Đan Nguyệt

Hiện tại website cần kinh phí duy trì nên hiện Quảng cáo ! Mong các bạn ủng hộ để bọn mình tiếp tục phát triển nhé
Bách Phượng đã vào mùa mưa nên càng lúc thời tiết càng thất thường, thoắt mưa như trút nước, thoắt lại tạnh ráo.

Thái Hậu đóng cửa không tiếp khách, Hoàng Hậu thì không coi trọng lễ thỉnh an cho lắm nên dưới thời tiết này, đã lệnh miễn lễ thỉnh an cho đến hết mùa mưa. Triệu Lam Kiều cũng được Hoàng Hậu bãi lệnh cấm túc, chỉ là Hoàng Đế có vẻ vẫn còn phật lòng, mấy lần Triệu Lam Kiều cầu kiến đều không chịu gặp mặt. Mưa gió thế này khiến ai ai cũng ngại đi lại, Hoàng Đế cũng không ngoại lệ. Vậy nên đã ba bốn hôm rồi, ngoại trừ lúc thượng triều với vài canh giờ đọc tấu chương ở Ngự Thư phòng, hắn đều ở lì trong Mẫu Đơn cung làm cho Liễu Yến Yến vô cùng đắc ý.

Mấy ngày trước, Phong tộc cống nạp hơn một trăm cuộn tơ lụa đủ loại, Hoàng Đế giao thẳng cho Hoàng Hậu. Hoàng Hậu để lại một phần cho Hoàng Đế sử dụng, một phần đưa đến Thuận Ninh cung, một phần giao đi hành cung Thanh An cho các vị Thái phi, Thái tần… Chu toàn đâu đó rồi Hoàng Hậu mới gọi đám phi tử bọn ta đến Triêu Lan cung phân chia phần còn lại.

Phong tộc vốn là dị tộc sinh sống ở gần biên cương phía Bắc Bách Phượng. Người của Phong tộc sống rất phóng khoáng, nam nữ bình đẳng như nhau. Nữ nhi Phong tộc đều biết cưỡi ngựa săn bắn còn nam nhân Phong tộc cũng không ngại chuyện dệt vải, nấu nướng. Nữ nhi ở đó còn có thể tự quyết định hôn sự của mình, thích ai liền đeo đuổi người đó, không kẻ nào có quyền ngăn cản. Khi ta nghe được chuyện này, trong lòng vô cùng ngưỡng mộ những nữ tử ở Phong tộc, thậm chí còn nảy ra suy nghĩ hoang đường là trốn khỏi Hoàng cung, tìm đến đó sống một cuộc sống tự do tự tại. Có điều sự ngưỡng mộ ấy ta chỉ dám giấu kín trong lòng, bởi người Bách Phượng đều coi thường lối sống Phong tộc là hoang dã, đảo lộn tam cương ngũ thường, thế này thế khác, đủ loại chỉ trích. Có điều, dẫu chê trách Phong tộc đến thế nào thì người ở Bách Phượng vẫn vô cùng yêu thích thứ tơ lụa độc đáo của Phong tộc. Ban đầu ta rất ngạc nhiên, bụng nghĩ đám nữ nhân quyền quý này có thứ châu bảo nào còn chưa nhìn thấy đâu, sao chỉ nghe đến mấy khúc vải mà mắt đã sáng rỡ cả lên thế kia. Mãi đến khi vâng lệnh tới Triêu Lan cung chọn vải, ta mới ngộ ra: tơ lụa của Phong tộc dệt dù có ngàn vàng cũng không mua được. Chất vải mềm mượt, trơn mát, mỏng như cánh bướm nhưng sợi vải dệt rất khít nên mặc lên không lộ da thịt mà vẫn đủ tha thướt phong tình, cầm trên tay thì thấy bồng bềnh như mây khói. Cả công đoạn nhuộm cũng hết sức đặc biệt, màu sắc vừa phải, sáng sủa mà không quá chói mắt. Chất lượng mỗi cuộn vải đồng đều như từ tay một người làm ra, không có nửa phân sai lệch. Kỹ thuật dệt này là bí mật của Phong tộc, vải dệt ra chỉ dành cho người trong tộc dùng và để tiến cống, không bao giờ bán ra ngoài. Nếu không phải được gả vào hoàng tộc, cả đời này cũng đừng mơ được chạm vào thứ tơ lụa ấy. Bởi vậy, vừa nhìn thấy chiếc bàn dài chất đầy tơ lụa Phong tộc trong đại điện, mắt của chúng phi lập tức sáng như đèn lồng, ai nấy nhanh như cắt lao vào thi nhau chọn lựa. Tiêu chuẩn cơ bản là mỗi người hai cuộn, nhưng nhìn lại thì cung nữ của Liễu Yến Yến vừa vào đã ôm đến cuộn thứ năm, mà Liễu Yến Yến vẫn còn say mê chọn lựa chưa hề có ý định dừng lại, khiến cho đa số lo sợ mất phần mình, bèn chọn vội rồi trốn ra một góc.

Bản thân ta, dù rất ngưỡng mộ kỹ thuật dệt vải của Phong tộc nhưng thực lòng ta cũng chẳng để tâm đến mấy thứ này lắm. Hai cuộn vải chỉ may đủ một bộ y phục, thêm vào một bộ hay ít đi một bộ cũng thế thôi. Nghĩ vậy, ta chỉ chọn lấy cho có. Nhưng lạ một đỗi, cứ hễ ta vừa cầm cuộn nào lên thì Liễu Yến Yến liền lập tức vừa mắt cuộn ấy. Dĩ nhiên ta không có gan tranh chấp với Liễu Yến Yến nên đều cung kính nhường nàng ta. Đến lần thứ ba, ta chợt hiểu Liễu Yến Yến cố tình gây sự với mình, trong lòng lập tức nghĩ ra một trò vui nho nhỏ. Biết Liễu Yến Yến không muốn cho ta lấy được cuộn vải nào, ta cứ vờ như không nhận thấy địch ý của nàng ta, cứ hồn nhiên lựa chọn cuộn khác. Thế là Liễu Yến Yến lại đòi lấy cuộn ta vừa chọn, cứ thế lập lại mấy lần nữa. Kết cục của buổi hôm đó, ta chẳng có cuộn tơ lụa nào còn Liễu Yến Yến thì ôm một đống cả hơn chục cuộn, đương nhiên đa số đều là cướp từ trên tay ta. Trịnh Vân Anh rất bất bình muốn nói lời công bằng, nhưng ta chỉ ra hiệu cho muội ấy đừng lên tiếng. Trịnh Vân Anh không hiểu ý định của ta, ấm ức cắn môi một hồi, sau đó không ngần ngại chia cho ta một cuộn tơ. Ta thật không ngờ Trịnh Vân Anh tính tình trẻ con, lại thích hai cuộn tơ này như thế mà lại dám thẳng tay tặng ta một cuộn, trong lòng cảm động không thôi. Muội ấy đã có lòng với ta đến mức này, ta làm sao nỡ lấy vật muội ấy yêu thích, chưa kể còn có Liễu Yến Yến lăm le gây sự, ta không muốn liên lụy gì đến Trịnh Vân Anh nên kiên quyết từ chối.

Nhìn thấy ta phải trở về tay không, Liễu Yến Yến vui vẻ tột bậc, cười không khép môi lại được. Mà cũng vì quá đỗi vui vẻ mà nàng ta chẳng mảy may nhận ra chỗ vải vóc ta cố tình lựa chọn cho nàng ta màu sắc mỗi cuộn đều rất tươi đẹp, nhưng khi phối lại chọi nhau chan chát, chẳng có màu nào có thể phối với nhau thành một bộ y phục được. Bên ngoài Liễu Yến Yến hân hoan bao nhiêu thì bên trong ta cũng cao hứng bấy nhiêu. Liễu Yến Yến, ngươi có được mặc thứ tơ lụa Phong tộc hay không, còn phải xem tài năng phối màu của nữ quan Ti Chế phòng như thế nào đã.

Trò chơi khăm vặt vãnh của ta không lọt nổi mắt Hoàng Hậu. Lúc Liễu Yến Yến hồi cung rồi, Hoàng Hậu liền viện cớ giữ ta và Trịnh Vân Anh lại tán chuyện, nói đến đống tơ lụa của Liễu Yến Yến, ba người chúng ta cười đến chảy cả nước mắt. Có cả đống đồ tốt mà không cách nào dùng được, không biết bộ mặt xinh đẹp của Liễu Yến Yến khi đó sẽ có hình dạng gì.

Hoàng Hậu tất nhiên không để ta chịu thiệt, nói chuyện đông tây thỏa thuê rồi bèn sai người lấy từ phần của mình ra hai cuộn tơ lụa bù đắp cho ta. Ta cảm tạ tấm lòng của Hoàng Hậu, nhưng sợ phiền phức về sau nên không dám nhận. Hoàng Hậu ép không được, thế là đổi lại cho ta mấy xấp gấm Cẩm Hoan màu tím cũng khá quý giá. Ta không có gan từ chối nữa, đành phải ôm về. Ngày hôm ấy vừa chơi được Liễu Yến Yến một vố lại vừa có mấy bộ y phục mới, tính ra ta cũng không bị lỗ.

Hoàng Đế đã lâu không ghé chỗ ta nhưng như thế ta lại càng cảm thấy thoải mái. Dù sao thì bức tranh của Hoàng Đế vẽ cho ta đã gây ra quá nhiều sự chú ý rồi, ta chẳng cần thêm phiền phức nữa. Hắn cứ bám lấy Thục phi nương nương nhà hắn thế mà lại hay, vừa có thể làm dịu bớt cơn giận của Liễu Yến Yến đối với ta, vừa hướng mũi nhọn ganh ghét của kẻ khác về chỗ Liễu Yến Yến. Thêm vào việc phân chia tơ lụa hôm trước, Liễu Yến Yến ôm một đống tơ lụa nghênh ngang trở về còn ta thì chẳng có nổi một cuộn. Chúng phi được dịp chê cười ta cho nên sự ganh ghét cũng giảm thêm mấy phần, mà mấy phần đó đều dồn cả cho Liễu Yến Yến. Nhờ phúc của Thục phi nương nương, ta lại được mấy ngày yên ả.

Kỳ thi tuyển chọn nữ quan ở Thượng Cung cục đã kết thúc. Tạ Thu Dung là người có kết quả cao nhất, xuất thân danh giá, tính nết lại vừa ý Thượng Cung đại nhân nên được xếp ngay vào hàng nữ quan ngũ phẩm. Ta nghe tin này vừa mừng vì nàng có được điểm xuất phát tốt, thăng tiến sẽ dễ dàng hơn nhưng cũng vừa lo sợ nàng quá nổi bật sẽ khiến người khác đố kị, ở nơi xa lạ mà tứ phía đều là kẻ thù thì cuộc sống thực sự rất khó khăn. Tạ Thu Dung là nữ quan mới nhậm chức, ta gặp mặt không tiện, chỉ có thể gửi cho nàng vài lời chúc mừng, đồng thời dặn dò nàng cẩn thận mọi bề, nếu có sự cố gì phải báo cho ta ngay lập tức.

Tạ Thu Dung đi rồi, Cẩm Tước cung không còn nghe tiếng giảng đạo lý của nàng mỗi ngày, chợt thấy trống vắng biết bao nhiêu. May mà vẫn còn có Bạch Diệu Hoa cùng ta trò chuyện giết thời gian. Làm phi tử chung quy chỉ có hai công việc chính, một là hầu hạ Hoàng Đế, hai là ra ngoài xỉa xói lẫn nhau. Bây giờ cả hai việc đó đều không cần làm, ta và Bạch Diệu Hoa rảnh rỗi đến phát chán. Ngoại trừ thời gian chăm sóc dung nhan mỗi ngày mà Ngọc Nga và Ngọc Thủy kiên trì bắt ta tuân thủ, thì những lúc rỗi rãi ta đều đến Đông viện chơi với Bạch Diệu Hoa. Đối với Bạch Diệu Hoa mà nói, trong hậu cung rộng lớn này, nàng chỉ còn mỗi ta là chỗ dựa, vì vậy càng lúc càng quấn lấy ta. Nhờ tính cách có mấy phần tương đồng mà chỉ trong thời gian ngắn, hai người chúng ta đã trở nên thân thiết như hình với bóng. Cuộc sống như thế cũng có thể gọi là bình yên.

Hôm nay, đương lúc ta và Bạch Diệu Hoa vừa ăn điểm tâm vừa tán chuyện thì Tiểu Phúc Tử đến bẩm báo có Tần công công ở chỗ Hoàng Hậu đến mời ta di giá Triêu Lan cung.

Tần Khương là người Hoàng Hậu cực kì tín nhiệm, nếu không phải việc quan trọng hắn sẽ không đời nào tự mình đi làm. Lần trước Tần Khương đến mời ta là khi Bạch Diệu Hoa trúng độc. Khi đó ta đã chuẩn bị trước. Còn lần này không rõ là chuyện trọng đại gì đã xảy ra. Trong lòng ta tự nhiên dâng lên một nỗi bất an.

Bạch Diệu Hoa dường như cũng nghĩ vậy, nàng hoảng hốt đưa mắt nhìn ta:

“Tỷ tỷ, không biết là chuyện gì…”

Ta ngước nhìn màn mưa âm u ngoài cửa sổ, khẽ thở dài:

“Thời tiết này… nếu chẳng phải đại sự, Hoàng Hậu sẽ không cho gọi đâu.”

Ngọc Nga nhanh nhẹn giúp ta chỉnh trang lại tóc tai, y phục rồi nhanh chóng rời đi. Bạch Diệu Hoa không đi theo được, đành dặn dò:

“Tỷ nhớ cẩn thận.”

“Yên tâm. Cả tháng nay ta đều ở trong cung, sao có thể dính líu tới chuyện gì được.”

Ta mỉm cười trấn an Bạch Diệu Hoa, nhưng lòng càng âu lo gấp bội. Sống ở hậu cung đúng là chẳng khi nào được yên thân. Dẫu không động chạm đến ai thì tai ương cũng tự đến gõ cửa.

Suốt quãng đường ngồi trên kiệu, ta cố gắng lục lọi trí nhớ xem rốt cuộc có thể xảy ra chuyện gì. Thời gian qua tuy ta không ra ngoài, nhưng Ngọc Thủy ở trong cung lâu, quen biết rộng, những chuyện trong cung ít nhiều đều nắm được. Gần đây rõ ràng không có chuyện gì nghiêm trọng. Thật không hiểu nổi.
Đọc tiếp tại ghientruyenchu.com nhé !
“Chủ nhân, tới nơi rồi.”

Màn kiệu vén lên, Tiểu Phúc Tử vội vàng giương ô che, còn Ngọc Nga thì choàng áo lên người ta, miệng liên tục nhắc:

“Chủ nhân, cẩn thận đường trơn.”

Váy áo rườm rà, vừa dài vừa vướng víu, lại thêm đôi hài đế cao khiến ta phải vất vả cầm chặt tay Ngọc Nga mới đứng vững được trên nền đá hoa cương trơn trợt nước mưa. Nghe đâu đôi hài đế cao này là sáng kiến của một vị Thượng nghi ở Ti Chế phòng, để cho các chủ tử đi lại vào mùa mưa cho khỏi bẩn chân. Ta vừa nghe đã giật bắn người, nghĩ bụng đường đã trơn lại còn phải đi thứ hài lênh khênh này chẳng khác nào tạo thêm việc làm cho Thái Y viện, bèn bảo bọn họ không cần đổi kiểu mới cho ta, cứ giữ như cũ là được. Có điều người ở Thượng Cung cục lại cho rằng ta cố ý ra vẻ mình tiết kiệm, cho nên cứ theo lệ mà mang hài cao đến, khiến cho ta khóc không thành tiếng.

Vừa lúc đó, kiệu của Trịnh Vân Anh cũng mới ghé đến. Nhìn dáng vẻ chật vật của muội ấy khi xuống kiệu, ta cho rằng không phải chỉ có mình ta không vừa ý đôi hài mới này.

“Nguyệt tỷ, tỷ cũng mới đến à?”



Trịnh Vân Anh khổ sở bám chặt lấy cung nữ Thanh Nhi, đi từng bước nhỏ đến chỗ ta.

“Ừ, không biết là có chuyện gì.”

Ta mỉm cười, dừng chân đợi Trịnh Vân Anh cùng đi.

Trịnh Vân Anh bắt kịp ta rồi, thở dài thườn thượt:

“Muội cũng không biết. Thật lo quá đi mất. Chỉ mong đừng như lần trước…”

Hai người vừa trao đổi được mấy câu thì nghe sau lưng vang lên tiếng bước chân rầm rập. Ngoảnh đầu nhìn lại, thì ra là Triệu Lam Kiều ngồi kiệu tám người khiêng đi tới. Ta và Trịnh Vân Anh đưa mắt nhìn nhau, đồng loạt lùi lại mấy bước.

Trời mưa nặng hạt, ta không muốn nhiều người phải vì ta mà dầm mưa, cho nên chỉ ngồi kiệu nhỏ hai người khiêng. Loại kiệu này đơn giản, thái giám khiêng kiệu có thể mặc áo tơi mà khiêng một cách nhẹ nhàng. Trịnh Vân Anh cũng ngồi kiệu như ta, hẳn là cũng có cùng suy nghĩ.

Triệu Lam Kiều lại chẳng nghĩ vậy.

Dù thời tiết xấu thế này, nàng ta vẫn nghênh ngang ngồi kiệu lớn. Loại kiệu tám người khiêng có cấu trúc rất phức tạp, tuy rằng khi ngồi có vẻ thoải mái và oai phong hơn, nhưng bản thân chiếc kiệu thôi đã rất nặng rồi, vậy nên đòn khiêng được thiết kế đặc biệt có chỗ lõm để đặt vai vào, vừa khít với vai người khiêng. Vì thế khi khiêng kiệu thì dù có mưa gió thế nào cũng không thể mặc thêm áo tơi tránh mưa được. Ta thấy cảnh này chợt mỉa mai nghĩ, Triệu Lam Kiều quả thực quá mức lạnh lùng. Chỉ là nàng ta không quan tâm đến sống chết của kẻ khác mà lại quên rằng đi kiệu lớn vào lúc trời mưa gió, nếu thái giám khiêng kiệu xui xẻo trượt ngã thì nàng ta té từ trên kiệu cao như thế xuống cũng khó tránh gãy vài cái xương.

“Thần thiếp tham kiến Đức phi nương nương.”

Ta và Trịnh Vân Anh đồng loạt khom người hành lễ.

Triệu Lam Kiều duyên dáng bước trên hài cao, chẳng buồn liếc nhìn, cứ thế đi lướt qua hai người chúng ta. Đến khi nàng ta đi xa rồi, Trịnh Vân Anh mới nhăn mặt:

“Nàng ta làm sao đi đôi hài đó thoải mái thế nhỉ?”

Ta bật cười, lắc đầu:

“Đức phi luôn luôn giỏi hơn chúng ta mà.”

***

Bầu trời bên ngoài mưa giăng lạnh lẽo u ám, nhưng bên trong đại điện Triêu Lan cung sáng sủa, ấm áp như thể mùa xuân.

Hoàng Đế ngồi trên ghế chủ tọa, vẫn là tư thế chống cằm lười nhác như thường lệ. Hoàng Hậu mặc phượng bào đỏ tươi, uy nghiêm ngồi ngay ngắn bên phải Hoàng Đế. Phía bên trái, Liễu Yến Yến ngồi hơi nghiêng về hướng Hoàng Đế, chăm chú đùa nghịch tay áo hắn. Triệu Lam Kiều tiến vào, ngồi cạnh Liễu Yến Yến như trước. Ta và Trịnh Vân Anh vừa vào trong liền thấy có bóng lưng nữ tử đang quỳ giữa điện nhưng không dám nhìn ngó lung tung, chỉ chuyên tâm chào hỏi cho thật phải phép. Mãi đến khi ngồi vào vị trí rồi, ta mới nhận ra người đang quỳ kia chẳng phải ai xa lạ, chính là Tu dung Tĩnh Tâm Lan cùng với cung nữ Đông Tú.

Triệu Lam Kiều sau khi nhấp một ngụm trà thì cất tiếng hỏi:

“Bẩm Hoàng Thượng và Hoàng Hậu nương nương, chẳng hay Tĩnh Tu dung vì lẽ gì mà lại quỳ ở đấy?”

Hoàng Đế lười đến mức không muốn mở miệng, chỉ phẩy phẩy tay về phía Hoàng Hậu.

Hoàng Hậu liền mỉm cười, dịu dàng đáp:

“Bản cung chỉ cho mời Hòa phi và Trịnh phi, thế mà cả Đức phi cũng có mặt rồi. Xem ra Đức phi quả là nhanh nhạy hơn người.”

Triệu Lam Kiều làm như không nhận ra ý tứ của Hoàng Hậu, hồn nhiên cười đáp:

“Hôm trước Tĩnh Tu dung nói với muội rằng ở nhà nàng ấy mới đưa vào một ít trà ngon, muốn mời muội cùng thưởng thức, nay muội đang định đến làm phiền thì mới biết Hoàng Hậu gọi Tĩnh Tu dung đến Triêu Lan cung, muội bèn tiện thể đến xem sao.”

“Thì ra là vậy.” Hoàng Hậu cười tươi như hoa, đuôi mày hơi nhướn lên, nhìn về phía cung nữ Xuân Linh. “Nếu đã như vậy thì hãy nói lại một lần nữa đi, dù sao cũng nên để các vị muội muội đến sau được biết rõ ngọn nguồn.”

“Vâng ạ!”



Xuân Linh cung kính bước về phía trước, hay tay cẩn thận nâng một chiếc khăn lụa đưa lên cao cho mọi người cùng nhìn thấy.

Chiếc khăn trong tay Xuân Linh làm bằng lụa màu trắng ngà, bên trên thêu hình một đôi chim ưng sải cánh tung bay giữa những cuộn mây bàng bạc, bên dưới còn có một nhành cây đương ra lộc non, bên cạnh thêu hai dòng thơ:

Tại thiên nguyện tác tỷ dực điểu,

Tại địa nguyện vi liên lý chi. (1)

Cuối cùng là bốn chữ: Tâm Lan niệm quân.

“Bẩm Hoàng Thượng, Hoàng Hậu cùng các vị nương nương, chiếc khăn này được tìm thấy ở trên người một tên hộ vệ canh giữ cổng hoàng thành phía Bắc. Có người thấy hắn ngày nào cũng lén mang chiếc khăn này ra nhìn ngắm, lại giấu diếm không cho kẻ khác chạm vào nên sinh lòng tò mò, lợi dụng khi hắn tắm rửa lấy được chiếc khăn này. Người đó thấy chiếc khăn làm từ lụa quý giá, lại từng làm hộ vệ bên cạnh vạn tuế gia nên nhận ra trên khăn còn có thêu khuê danh của một vị chủ tử, vì vậy sợ hãi nhờ người mật báo với Hoàng Hậu nương nương. Hoàng Hậu nương nương sai nô tỳ đi điều tra thì phát hiện chiếc khăn này vốn thuộc về Tĩnh Tu dung.”

Xuân Linh cẩn thận kể lại sự tình, từng câu chữ đều vô cùng sắc sảo, không lộ chút sơ hở.

Ta cười thầm trong lòng.

Hoàng Hậu chuẩn bị lâu như thế, cuối cùng cũng ra tay. Nàng không triệu tập lục cung nhưng lại trực tiếp thỉnh Hoàng Đế đến, xem chừng đã quyết trừ bỏ Tĩnh Tâm Lan. Khách xem tuồng trong đại điện ngoại trừ Đế Hậu và Liễu Yến Yến thì chỉ có Dương Quý cơ và Minh phi. Liễu Yến Yến và Minh phi thực ra là khách không mời, nghe nói khi Hoàng Hậu đi thỉnh Hoàng Đế thì hai người kia tình cờ có mặt nên mới đi theo. Còn Dương Quý cơ, ta đoán Hoàng Hậu muốn để nàng ta thay mình nói những lời mà một vị mẫu nghi thiên hạ không thể nói. Về phần ta và Trịnh Vân Anh vì sao bị gọi đến thì vẫn còn chưa rõ. Triệu Lam Kiều hẳn là nghe ngóng được tin tức bèn vội vã đến đây tương cứu.

“Hoàng Thượng, thần thiếp bị oan! Khăn tay đó là của thiếp, nhưng thiếp không biết tên Cẩm Y vệ đó là ai cả!”

Xuân Linh vừa dứt lời, Tĩnh Tâm Lan lập tức dập đầu bồm bộp xuống sàn.

Hoàng Đế nhếch môi cười:

“Ban nãy chẳng phải Tu dung nói có thể chứng minh bản thân vô tội sao? Trẫm chờ nghe đây.”

Tĩnh Tâm Lan như sực tỉnh, quay ngoắt lại chỉ thẳng về hướng ta và Trịnh Vân Anh đang ngồi, nói lớn:

“Đúng là như thế! Hòa phi và Trịnh phi có thể chứng minh thần thiếp trong sạch.”

Hành động của Tĩnh Tâm Lan làm ta sững người. Thấy Trịnh Vân Anh cũng há miệng ngơ ngác, ta bèn nhẹ giọng thăm dò:

“Tĩnh Tu dung nói gì ta không hiểu? Ta làm sao có thể làm chứng cho Tu dung?”

Tĩnh Tâm Lan đưa tay lau nước mắt, dõng dạc nói:

“Chiếc khăn tay đó đúng là của thần thiếp, nhưng thần thiếp đã làm mất nó từ tháng trước. Sau khi đánh rơi, thần thiếp đã đi tìm nó ở ngự hoa viên, Hòa phi cũng nhìn thấy.”

Tim ta bỗng chốc thắt lại.

Trong đầu dần hiện ra cảnh tượng Tĩnh Tâm Lan cùng Đông Tú đi đi lại lại trong Ngự hoa viên lúc trước. Khi ấy, ta cứ tưởng Tĩnh Tâm Lan làm trò xấu gì cho nên mới nhúng mũi vào. Thái độ của Đông Tú lúc đó càng khiến ta tin vào suy đoán của mình. Thật không ngờ, sự hoảng hốt của Đông Tú lại mang hàm ý khác. Đông Tú đúng là không muốn ta gặp Tĩnh Tâm Lan, nhưng không phải vì lo cho Tĩnh Tâm Lan. Thiết nghĩ, có thể lấy trộm được đồ trên người một kẻ ghét bị động chạm vào thân thể như Tĩnh Tâm Lan, ngoài cung nữ thân cận Đông Tú thì còn có thể là ai? Đông Tú sợ hãi, chính là sợ ta lắm điều, làm hỏng chuyện lớn của Hoàng Hậu!

“Hòa phi, lời này của Tĩnh Tu dung có đúng không?”

Giọng nói mềm mại của Hoàng Hậu kéo ta về thực tại. Ánh mắt đen láy thâm thúy của nàng nhìn xoáy vào ta, khiến tay chân ta bủn rủn.

Không, ta không thể làm hỏng chuyện của nàng được.

___________

(1) Trên trời nguyện làm chim liền cánh

Dưới đất nguyện làm cây liền cành

(Trường Hận Ca – Bạch Cư Dị)
Danh sách truyện HOT