Mẹ cô nhíu mày nửa tin nửa ngờ, bà không tin Gia Hoàng là loại đàn ông lăng nhăng như vậy, phải chăng có sự hiểu lầm nào đó? Bà càng không chấp nhận được việc cô quen một đứa con trai kém tuổi như Thiên Bảo, cậu ta lại là công tử nhà giàu chẳng có sự nghiệp gì nổi bật, chỉ là cậu ta từ nhỏ đã sinh ra ở vạch đích, chưa từng trải qua nhiều sóng gió, suy nghĩ còn non nớt chưa trưởng thành của cậu ta làm sao có thể phù hợp để bước vào hôn nhân. Có chăng còn đợi cậu ta “trưởng thành” thêm, chí ít cũng phải mất năm bảy năm nữa, lúc đó thì con gái của bà đã quá tuổi rồi.
Uyển My sực nhớ ra anh trai cô đang đợi cô ở sân bay, vội đổi sang chủ đề:
“Chuyện này mình nói sau đi mẹ, anh hai mới điện thoại cho con gọi con ra sân bay đón, có chị hai về cùng nữa.”
Hay tin con trai trở về, mẹ cô đang từ tâm trạng không vui đột nhiên biểu cảm trở nên thả lỏng hơn:
“Thật hả? Để mẹ gọi ba lấy xe đi đón.” - Bà vội vàng định vào nhà lấy điện thoại gọi của ba cô thì Uyển My ngăn lại:
“Mẹ ơi, để con tự đi được rồi, anh hai…” - Cô không dám nói thành lời, ánh mắt ra hiệu để mẹ hiểu.
Hiểu được ý của cô, gương mặt rạng rỡ của bà chợt chùng xuống, đôi mắt bà mang mác buồn, nhưng cũng mỉm cười:
“Ừ vậy thôi con tranh thủ đi đi, mà lâu rồi con không lái xe, đi được không? Hay để mẹ gọi chú Sơn.”
Uyển My lưỡng lự một hồi cũng đồng ý, thực ra vì Khải Phong - anh trai của cô và mẹ có những nỗi lòng không thể ngay tức thì có thể gáo gỡ được, bởi những mâu thuẫn từ lâu đã ngấm ngầm bên trong mà không phải ai cũng có thể nhìn ra.
…
Vài tháng nữa là anh trai và chị dâu của Uyển My sẽ tổ chức lễ cưới ở Việt Nam để chia sẻ niềm vui cùng bạn bè của anh cũng như họ hàng, bạn bè của ba mẹ anh ở Việt Nam.
Lê Khải Phong đáng lẽ chính là người mang trọng trách thừa kế sự nghiệp của gia đình, nhưng vì không thể chịu đựng cái tính áp đặt của ba mẹ, và đặc biệt chính là mẹ anh, anh oán giận bà bởi bà luôn cho rằng những gì bà làm là tốt cho anh, nhưng bà lại không quan tâm đến việc anh thật sự muốn gì, cần gì, từ nhỏ anh vẫn luôn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, chấp nhận mọi yêu cầu từ bà mà không oán thán. Nhưng khi anh vẫn đang du học ở Úc, bà cũng tự ý tìm mối hôn sự cho anh. Ngẫm lại, từ việc học hành, cuộc sống cá nhân bị quản thúc, ngay cả việc lựa chọn bạn đời anh cũng phải chịu sự áp đặt của bà, anh thật sự mệt mỏi.
Lần đầu tiên sau hơn hai mươi năm, một đứa con ngoan như anh quyết định cãi lời cha mẹ, quyết định định cư ở Úc. Rồi anh đã quen và yêu người vợ hiện tại của mình - Bạch Yến, cô gái kém anh hai tuổi, là đồng nghiệp làm chung công ty với anh, cô cũng là người gốc Việt.
Cuối cùng hi vọng còn lại lại tiếp tục đặt lên đôi vai bé nhỏ của Uyển My, cô hiểu được sự oán trách của anh trai, nếu cô cũng như anh trai, “trốn biệt” định cư ở nước ngoài, thì cuối cùng cô cũng đang tàn nhẫn phủi bỏ mọi trách nhiệm của một người con với ba mẹ mình. Cô không đủ sức để chiến thắng cảm xúc của mình, cô đã lựa chọn lý trí, cái lý trí thuận theo tình thân gia đình, cô không muốn vì sự mong muốn của riêng bản thân mà hi sinh tình cảm gia đình, cô không muốn điều đó, nhưng cuộc sống không được lắng nghe khiến cô mệt mỏi.
Sau khi ra sân bay rước Khải Phong và chị dâu về, Uyển My mệt mỏi ngã xuống giường, vì phải ngồi máy bay đường dài nên anh trai và chị dâu cô chỉ tiện chào hỏi và nói chuyện với ba mẹ vài câu cũng đã lên phòng nghỉ ngơi.
Uyển My với ánh mắt vô hồn nhìn lên trần nhà, lại tiếp tục nghĩ ngợi.
Đã bốn năm rồi anh trai cô mới về Việt Nam sau khi thông báo có bạn gái và đã đám cưới ở bên Úc, thỉnh thoảng anh trai cô lại tranh cãi với mẹ cô, chủ yếu xoay quanh chuyện của anh, chuyện muốn anh về Việt Nam, cốt cũng vì muốn anh thừa kế cửa hàng của gia đình.
Cô chỉ mong muốn gia đình cô luôn luôn vui vẻ, mọi người có thể cùng nhau ngồi lại chia sẻ tháo gỡ khúc mắc trong lòng, nhưng không, cuộc đời là một chuỗi gian truân nào có điểm dừng, mỗi một người đều giữ lại sự cố chấp riêng của mình, cứ khăng khăng là mình đúng và mong muốn người còn lại phải nghe theo. Kết quả là những cuộc tranh cãi lại bùng nổ, kết thúc thường là một hay hai chiếc ly hoặc chén bát lại vỡ nằm trên đất.
Uyển My bật dậy tiến về phía chiếc tủ quần áo, cô mở toang cánh cửa ra, nổi bật của chiếc tủ chính là những bộ quần áo, đầm váy đều được sắp xếp ngăn nắp theo từng màu sắc, kiểu dáng, bất chợt chiếc đầm ngày đó ông nội Gia Hoàng tặng đập ngay vào mắt cô:
“Phải rồi, mình phải trả lại cho ông nội.”
Nhưng khi càng nghĩ đến Gia Hoàng, cô lại ngập ngừng, tự hỏi có nên trả lại hay không? Nhưng món đồ này không thuộc về cô, đây là vật kỷ niệm mà mẹ anh để lại cho anh, dù sao hiện giờ cô và anh đã không còn liên quan gì nhau nữa, cô giữ nó để làm gì? Mỗi khi cô mở tủ áo ra lại vô tình trông thấy nó, lại khiến cô nhớ về anh, một người đàn ông bội bạc, thì làm sao cô có thể cầm lòng nổi đây?
Sáng hôm sau…
Mười giờ sáng, Khải Phong với điệu bộ vừa đi vừa ngáp vừa vươn vai bước xuống từng bậc cầu thang, anh ngó nghiêng ngó dọc khắp nhà như đang tìm ai đó. Sau đó anh hướng về phía nhà bếp thì thấy mẹ đang làm cơm, trên người bà mặc tạp dề, tay cầm vá múc canh nêm gia vị:
“Ủa mẹ, bé My đâu rồi mẹ?”
Mẹ anh vừa nghe đến từ “bé” thì gai ốc đã dựng hết cả lên, bà sựng tay lại rồi nhìn sang Khải Phong:
“My nó ra ngoài có công chuyện rồi. Mày biết em mày nó bao nhiêu tuổi rồi không mà còn gọi là bé?”
Khải Phong chợt nhận ra, vì anh đã quen gọi Uyển My từ khi cô còn bé xíu, đáp lại câu nói của mẹ, anh chỉ gượng cười rồi ngoảnh đi.
“Con với vợ con ra ngoài ăn sáng một chút nha mẹ.”
Trong ánh mắt anh như chất chứa một nỗi niềm khó nói, cảm giác né tránh không muốn tiếp xúc lâu với mẹ, bởi anh sợ rằng mẹ sẽ hỏi thêm điều gì đó từ cuộc sống của anh, rồi đưa ra hàng loạt sự phán xét mà không quan tâm đến cảm xúc của anh, anh chỉ hi vọng có thể nói chuyện theo cách quan tâm nhau như thế này, vậy là tốt rồi.
Đúng là mẹ anh đang định quay sang nói gì đó nhưng cuối cùng bà lại cảm thấy thời gian này không phù hợp để nói, bà chỉ mong Khải Phong có thể thay đổi suy nghĩ mà trở về Việt Nam, chẳng có cha mẹ nào lại muốn ở xa con mình cả, dù bà có khắt khe đến đâu, bà cũng chỉ là một người mẹ như bao người mẹ khác.
Bạch Yến - vợ của Khải Phong cũng từ trên lầu đi xuống, tay cô vịn theo thành lan can từ từ bước xuống, cô rẽ sang hướng nhà bếp vội vàng gật đầu với mẹ chồng:
“Con chào mẹ, con với anh Phong ra ngoài ăn một lát về.”
Mẹ Khải Phong chỉ gật đầu mỉm cười.
Bà ngoảnh lại trông theo bóng dáng Bạch Yến và Khải Phong rời đi, Bạch Yến có dáng người cao ráo, nụ cười duyên dáng, phong cách nói chuyện lịch sự và lanh lợi, khi cô mang thêm đôi giày cao gót thì hiển nhiên chiều cao đã gần bằng Khải Phong.
Nhớ lại thời gian trước bà đã định mai mối cho Khải Phong con gái của một người bạn của bà, vì chuyện này mà Khải Phong quyết định chọn định cư lại ở Úc và không muốn trở về Việt Nam. Đã gần mười năm trôi qua, bà tự hỏi mình thật sự đã sai rồi sao? Những gì bà làm đều vì tốt cho Khải Phong, vì sao anh cứ luôn trách cứ bà không thương yêu anh?
…
Uyển My đang ngồi trên xe chạy đến nhà Gia Hoàng để trả lại chiếc đầm lần trước ông nội tặng cho cô.
Đêm hôm qua cô đã suy nghĩ rất nhiều xem liệu mình có nên đến hay không, càng nghĩ càng thấy mình nên đích thân đi, tự tay đưa cho ông nội, nhưng cô sợ rằng khi gặp mặt ông nội thì cô sẽ không kìm được cảm xúc của mình.
Còn một ngã rẽ nữa sẽ đến cổng nhà của Gia Hoàng, cô vẫn chạy bon bon trên đường cho đến khi chỉ cách cổng nhà anh tầm hai mươi mét thì cô chợt để ý phía xa xa là một chiếc ô tô, đột nhiên suy nghĩ đầu tiên lóe trong đầu cô - đó là xe của Gia Hoàng và nó đang rẽ sang đường hướng vào cổng nhà anh. Cô chạy chầm chậm rồi dừng lại, cô có thể thấy rõ được người ngồi trong xe khi chiếc xe càng tiến gần đến cổng, đúng thật là Gia Hoàng, nhưng hình như bên ghế phụ còn có ai đó. Gia Hoàng có lẽ không để ý đến có ai đang đậu xe gần đó, do ở gần cô cũng có một vài gốc cây được trồng làm bóng mát, nên không thể gây sự chú ý đến anh.
Cô không thể nhìn rõ người ngồi bên cạnh anh cho đến khi anh vô tình nghiêng đầu sang, có lẽ như anh vừa nói gì với người đó, Uyển My lặp tức chết trân khi nhận ra cô gái đó rất giống cô gái mà cô đã thấy đi cùng Gia Hoàng hôm ấy. Không phải giống, mà chính là cô ấy, Uyển My vẫn còn ấn tượng với cô ấy, bởi cô ấy rất xinh đẹp và gương mặt luôn được trang điểm kỹ lưỡng.
Cô ấy đang mỉm cười rạng rỡ với anh, trông khoảnh khắc ấy, Uyển My cảm thấy trái tim mình đau nhói, cô không biết làm thế nào với cảm xúc của mình, cô không làm chủ được, một cảm giác cay cay cứ xộc lên sống mũi. Trong suy nghĩ của cô đã hình dung được đây là chuyện gì, thì ra thời gian qua anh không níu kéo, hỏi thăm cô một lời nào cũng vì lý do này sao?
Uyển My cảm thấy lòng tự trọng của mình đang bị anh chà đạp một cách tàn nhẫn, anh là người chủ động ngỏ lời với cô, cũng là người phản bội cô để tìm đến người phụ nữ khác, ngày trước cô đã từng rất cảm kích vì cô là cô gái duy nhất anh dẫn về nhà, có lẽ chỉ là duy nhất trong năm hoặc vài năm.
Cô không muốn khóc vì loại đàn ông này, anh không xứng đáng với những giọt nước mắt quý giá của cô, nhưng vì sao khóe mắt cô lại không nghe lời? Tầm nhìn của cô nhòe đi trông theo bóng dáng chiếc xe khuất sau cánh cổng. Nước mắt cô không ngừng rơi lã chã, rơi thấm ướt lớp khẩu trang cô đang đeo.
Hôm nay Gia Hoàng đưa Thủy Tiên và bé Ken về gặp mặt ông nội, vì ban nảy bị che mất tầm nhìn nên Uyển My đã không thấy bé Ken - đang ngồi trên người Thủy Tiên ở ghế phụ.
Gia Hoàng xuống xe rồi vòng sang bên kia mở cửa giúp Thủy Tiên, anh vội bế bé Ken giúp cô để cô dễ dàng xuống, suốt quãng đường từ nhà cô về đến nhà anh, bé Ken chỉ im lặng không nói gì, nó thỉnh thoảng cứ nhìn sang Gia Hoàng như thể nó đang cố gắng thích nghi người này sẽ là “Ba” của mình.
Khi ba người họ bước vào nhà thì người ngồi ở phòng khách chính là ông nội Gia Hoàng, khi nhìn thấy Thủy Tiên và đứa bé mà Gia Hoàng đang bế trên tay, trong lòng ông dâng lên một cảm xúc khó tả, trông chúng như một gia đình thật sự. Tuy rằng cứ nhớ đến Uyển My thì ông lại thương cho cô, nhưng ông cũng không thể thiên vị Uyển My mà có thành kiến với Thủy Tiên, vì dù sao Thủy Tiên cũng là mẹ của cháu cố của ông.
“Em ngồi đi.” - Gia Hoàng ra hiệu cho Thủy Tiên, sau đó liên quay sang gọi chị Hương chuẩn bị nước.
Thủy Tiên đi đến mỉm cười gật đầu chào ông nội:
“Dạ con chào ông nội con mới đến.”
“Ừ, ngồi đi con.” - Ông đáp.
Đột nhiên ngoài cửa có tiếng chuông, dường như có ai đó ghé thăm:
“Hương ra coi ai đang bấm chuông ở ngoài.” - Ông nội gọi.
“Dạ ông.” - Chị Hương đáp rồi vội vội vàng vàng đi nhanh ra cổng, sợ người ở ngoài cổng sẽ đợi lâu.
Tầm hai ba phút sau chị Hương quay lại với một túi đồ trên tay, một chiếc túi bằng vải xinh xắn gọn gàng màu be có quai, cô ấy cầm hai tay đưa cho ông nội: