CHƯƠNG 16: HỔ BÁO KỴ
Trong ngự thư phòng, Mục Hiếu Trung chỉ vào bản đồ trên bàn, thận trọng nói, mắt thỉnh thoảng lại len lén nhìn Hoàng Thượng, quan sát biểu hiện của anh, tuy Hoàng Thượng đã nói không trách tội hắn nhưng chơi với vua như chơi với cọp, lỡ như chọc giận Hoàng Thượng thì cái đầu trên cổ bất cứ lúc nào cũng có thể rơi mất.
Diệp Khôn nhìn theo đầu ngón tay đang chuyển động của Mục Hiếu Trung, nhìn chằm chằm bản đồ quân sự được bày ở trên bàn và nghiêm túc nghe Mục Hiếu Trung phân tích, cũng hiểu được sơ sơ.
Nước Đại Kim có phần hơi giống với triều Hậu Kim của Hoa Hạ, một quốc gia có lịch sử lâu dài, do mười bộ lạc lớn hợp thành, tất cả đều là dân tộc du mục, cả trai lẫn gái đều am hiểu cưỡi ngựa bắn cung, sức chiến đấu vô cùng dũng mãnh, nổi danh khắp nơi với trăm vạn tay cung thiện nghệ.
Rốt cuộc có trăm vạn binh sĩ bắn cung thiện nghệ hay không thì Diệp Khôn không rõ lắm, nhưng anh tin chắc một điều, chiến mã tốt nhất thiên hạ là những chiến mã trên các thảo nguyên lớn của nước Kim, các đời Hoàng đế của Đại Chu đều mơ về chiến tích vĩ đại là thống nhất toàn cõi Trung nguyên thành một mối nhưng mười mấy chiến dịch chinh phạt Đại Kim đều thua nhiều thắng ít khiến cho Đại Chu bị hao tổn nguyên khí, đến đời của Diệp Khôn thì Đại Chu đã hoàn toàn xuống dốc, trật tự tấn công và phòng thủ hoàn toàn bị đảo ngược, Đại Kim dần mạnh lên và hiện tại đã ở thế chủ công còn Đại Chu chỉ có thể bị động phòng thủ.
Đương nhiên, Đại Kim cũng không phải là không có nhược điểm, do các yếu tố môi trường và khí hậu mà Đại Kim phải chịu cảnh thiếu lương thực trầm trọng, chính vì vậy mà Đại Kim vẫn chỉ có thể thèm thuồng nhòm ngó thiên hạ giàu có và đông đúc của Đại Chu, lúc nào cũng mơ ước tiến vào làm chủ Trung nguyên.
Ải Vân Dương và Ải Vân Vũ hợp với nhau thành gọng kìm và là vị trí yếu hại mà Đại Chu dùng để chặn ngang yết hầu của Đại Kim, đại quân của Đại Chu bất cứ lúc nào cũng có thể xuất kích từ hai ải này, cho nên Đại Kim luôn trăm phương ngàn kế muốn đoạt hai ải này lại.
Dưới thời kỳ cường thịnh nhất của Đại Chu thì hai tòa thành này quả thực rất trọng yếu, nhưng hiện tại, thực lực của Đại Chu đang từng ngày sụp đổ, không còn đủ sức để Bắc phạt, nên hai tòa thành này ngược lại đã trở thành yếu điểm, chi bằng tạm thời bỏ thành, dồn toàn lực cố thủ ải Trấn Dương, cửa ải được xưng là hung hiểm đệ nhất thiên hạ, cầm chân trăm vạn đại quân của Đại Kim ngoài ải, đợi đến khi Đại Chu khôi phục được nguyên khí lại tiếp tục lên kế hoạch dần dần.
Đương nhiên, ở quan ngoại vẫn còn rất nhiều bách tính của Đại Chu, sẽ phải mất rất nhiều thời gian để đưa tất cả bọn họ vào cửa ải, theo ý đồ tác chiến của Mục Hiếu Trung thì đại quân sẽ chia binh thành hai đường, một đường tiếp viện ải Vân Vũ, đồng thời yểm hộ bách tính di dời vào thành, lộ đại quân còn lại sẽ đánh nghi binh tại ải Vân Dương, để giảm bớt áp lực cho cánh quân đang bảo vệ Vân Dương, kéo dài thời gian cho các tướng sĩ đang giữ thành cũng như dân chúng rút lui.
Diệp Khôn vuốt mũi theo thói quen, không ngờ Mục Hiếu Trung lại là một tướng tài, nếu như không phải vì vội vã muốn thành lập một đội cấm vệ trung thành với mình thì có lẽ anh đã phái hắn đi trấn thủ cửa ải quan trọng là Trấn Dương rồi.
Ải Trấn Dương được xây dựa lưng vào núi, địa thế hiểm yếu, dễ thủ khó công, nên mới được xưng là ải hiểm yếu đệ nhất thiên hạ, là lá chắn cho biên cương phía Bắc của Đại Chu, Đại Kim muốn tiến vào làm chủ Trung nguyên, buộc phải phá được cửa ải hiểm yếu Trấn Dương này, suốt mấy chục năm qua, đã có vô số quân Kim tinh nhuệ chết trận tại ải này.
Ải Trấn Dương dễ thủ khó công, chỉ cần có đầy đủ lính, lương thảo vũ khí sung túc, chủ tướng không tùy tiện xuất kích, đóng chặt cửa thành cố thủ cũng đủ để cầm chân trăm vạn đại quân của Đại Kim tại quan ngoại.
Nói cách khác, thống soái trấn thủ ải Trấn Dương phải là một lão tướng am hiểu về thủ thành, hành sự chỉ cầu ổn thỏa, không tham công là đủ.
Đương nhiên, vùng Mạc Bắc nổi lên chiến sự thì các đế quốc lân cận như Sở, Yến, Thiên Viêm đều đang tập kết đại quân gần biên giới, rục rịch ngóc đầu dậy vì vậy nhất định phải điều động đại quân để ứng phó, tăng cường đề phòng bất trắc.
Nghe Mục Hiếu Trung phân tích xong một lượt, Diệp Khôn liền hiểu ra, nên vui vẻ vỗ vỗ vai của Thuần Phong: “Mục Chỉ huy sứ, tốt lắm.”
“Chia sớt nỗi lo với Hoàng Thượng là bổn phận của thuộc hạ.” Mục Hiếu Trung nhận được ân sủng mà lo sợ, tuy Hoàng Thượng không nói gì thêm, nhưng chỉ một cái vỗ vai cũng đủ để nói rõ, Hoàng Thượng mặt rồng vui sướng như vậy tức là rất tán thưởng hắn ta.
Dĩ nhiên, hắn cao hơn Hoàng Thượng một cái đầu, nên để Hoàng Thượng vỗ tới vai mình, hắn đã lẳng lặng khom người cho Hoàng Thượng vỗ tới bờ vai của mình.
Diệp Khôn trở lại điện Kim Loan, đám đại thần văn võ đang cãi nhau văng cả nước bọt về vấn đề xuất quân đánh hay cầu hòa, bọn họ tranh cãi đến mức mặt đỏ tới mang tai, chỉ còn thiếu nước vung nắm đấm lên đấu tay đôi nữa mà thôi.
Cả hai bên đều có lý, Diệp Khôn với lòng tin chắc chắn quan sát đám đại thần văn võ đang cãi nhau ỏm tỏi, sau đó hướng mắt về phía một võ tướng trẻ tuổi đang đứng gần cuối.
Từ đầu đến cuối, tên võ tướng trẻ tuổi này chỉ yên lặng đứng trong góc không nói một lời, làm người ta quên đi sự hiện diện của hắn ta.
Có lẽ là bởi vì trong đám văn võ này thì chức quan của hắn ta là thấp nhất nên không dám lên tiếng chăng?
Sở dĩ Diệp Khôn cảm thấy hứng thú với hắn ta là bởi vì sắc mặt của viên võ tướng trẻ tuổi này rất bình thản, thần thái thản nhiên như thể nếu trời có sập xuống cũng không nhúc nhích.
“Lão Tô, gã đó tên gì?” Anh thấp giọng hỏi Tô Xuân Vinh đang hầu hạ bên cạnh, trong ký ức thiếu trước hụt sau của tên Hoàng đế chết tiệt không có ấn tượng nào về viên võ tướng trẻ tuổi này cả.
Tô Xuân Vinh khom người, thấp giọng đáp: “Bẩm Hoàng Thượng, hắn là phó chỉ huy sứ của Hổ Báo Kỵ, Hồ Chiêu Lĩnh.”
Họ Hồ? Anh chưa từng nghe qua tên dòng họ này nên cảm thấy rất mới mẻ, ở thế giới này, chuyện gì cũng có thể xảy ra, có những chuyện vượt qua cả sự lý giải của khoa học, và họ Hồ cũng không nằm ngoài điều này.
Hổ Báo Kỵ? Đây lại là trò biểu diễn gì nữa đây? Nghe thì giống kỵ binh, nhưng cái tên lại rất uy mãnh.
Diệp Khôn nghe Tô Xuân Vinh giải thích xong một lượt mới hiểu được lai lịch của Hổ Báo Kỵ.
Hổ Báo Kỵ là thiết kỵ tinh nhuệ nhất do Tiên hoàng lập ra, một doanh trại chỉ được bố trí năm trăm kỵ binh, trải qua vô số chiến dịch, lập được chiến công hiển hách, nhưng mấy đời Hoàng đế sau này không còn lý tưởng vĩ đại là thống nhất Trung nguyên, lại ngu ngốc vô năng, nên mới lãng phí đội quân có chiến lực mạnh nhất Đại Chu là Hổ Báo Kỵ, truyền tới đời Diệp Khôn thì Hổ Báo Kỵ chỉ còn là thùng rỗng kêu to, hữu danh vô thực.
Hồ Chiêu Lĩnh xuất thân là dân nghèo, hơn mười tuổi đã nhập ngũ, tham gia hơn trăm chiến trận lớn nhỏ, thường lấy ít thắng nhiều, vì những chiến công hiển hách ấy mà được thăng chức làm Phó chỉ huy sứ tứ phẩm, thống lĩnh Hổ Báo Kỵ.
Quan viên từ tứ phẩm không có tư cách vào triều gặp vua, nhưng Hổ Báo Kỵ là do Tiên hoàng sáng lập, nên được đặc cách và Hồ Chiêu Lĩnh mới có cơ hội vào triều gặp vua, là võ tướng xếp ở hàng cuối cùng, lại không lên tiếng nên quả thật rất dễ làm người khác bỏ qua sự tồn tại của hắn ta.
Má ơi, còn trẻ như vậy mà đã tham gia hơn trăm chiến dịch lớn nhỏ, dựa vào quân công hiển hách mà được thăng lên làm Phó chỉ huy sứ, chắc chắn là một tên cực giỏi rồi, đáng tiếc là không có cơ hội thi triển tài hoa.
Diệp Khôn rất có hứng thú với Hồ Chiêu Lĩnh nên nói với Tô Xuân Vinh: “Lão Tô, thu thập thông tin của hắn ta cho Trẫm, càng chi tiết càng tốt.”
Chỉ một câu nói của Hoàng Thượng cũng khiến cho cả đám người bận tối mắt tối mũi, Tô Xuân Vinh truyền lời cho tiểu thái giám, tiểu thái giám dựa vào khẩu dụ của thánh thượng, đến bộ binh điều tra hồ sơ, tư liệu của Hồ Chiêu Lĩnh rồi nhanh chóng trình lên, hiệu suất làm việc khiến người ta rất hài lòng.
Diệp Khôn ra hiệu cho Tô Xuân Vinh, Tô Xuân Vinh liền hiểu ý, cao giọng quát: “Yên lặng!”
Những tiếng hò hét loạn cào cào trên điện Kim Loan lập tức im bặt, bá quan văn võ đang cãi nhau đỏ mặt tía tai đều lần lượt đứng nghiêm trang, chờ đợi quyết định cuối cùng của Hoàng Thượng.